04/05/2017
Là một doanh nghiệp tỉnh lẻ, vốn điều lệ chỉ hơn 200 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Phú Tài (HOSE: PTB) trong 8 năm qua khiến nhiều người phải “ngước nhìn”. Đi cùng đó, giá cổ phiếu PTB từ khi niêm yết đã ghi nhận một mức tăng khủng khiếp: 2,400%!
Tiền thân, Công ty Phú Tài trực thuộc Quân khu 5 (Bộ Quốc Phòng), chuyên kinh doanh và sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ, đá và phân phối xe Toyota. Năm 2004, Phú Tài từ một Doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa và chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 01/01/2005 với vốn điều lệ khi đó gần 9 tỷ đồng.
Đến nay, sau 6 lần tăng vốn, PTB đạt vốn điều lệ 216 tỷ đồng và đã xây dựng hệ thống các cơ sở kinh doanh, xí nghiệp, nhà máy, chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trọng yếu như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bình Định.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ đông lớn của PTB là 3 cá nhân thuộc HĐQT của Công ty, trong đó Chủ tịch Lê Vỹ nắm giữ hơn 2 triệu cp, tương ứng 9.78% vốn.
Dánh sách cổ đông nắm trên 1% vốn tại PTB
8 năm liền tăng trưởng nhờ thế “kiềng ba chân”
Xuyên suốt từ lúc thành lập, hoạt động kinh doanh của PTB tập trung vào 3 mảng là kinh doanh và sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ, đá các loại và phân phối xe Toyota.
Ba mảng kinh doanh đã tạo được thế kiềng ba chân, bổ trợ giúp cho Công ty vượt qua các giai đoạn khó khăn chung của thị trường. Điển hình như hai năm 2009 và 2010, cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp ngành gỗ, trong đó có cả PTB. Song, trong tình thế đó thì hoạt động kinh doanh của PTB ở mảng đá ốp lát và xe Toyota đã bù đắp được khó khăn mảng gỗ.
Cụ thể, năm 2007 và 2008, mảng gỗ của PTB luôn chiếm tỷ trọng trên 50% trong cơ cấu doanh thu, trong khi mảng xe Toyota chỉ hơn 30%. Song, bước sang năm 2009, mảng kinh doanh gỗ của PTB suy giảm đáng kể, đạt gần 393 tỷ đồng doanh thu, chiếm gần 30% trong tổng doanh thu và lãi gộp chỉ đạt 27 tỷ, chiếm tỷ trọng 22%. Trong bối cảnh đó, mảng xe hơi Toyota của PTB kinh doanh khá tốt khi bán được 1,260 xe, tăng gấp đôi so với năm 2008, tỷ trọng doanh thu tăng vọt lên trên 50%, lãi gộp mang về gần 55 tỷ đồng, cao nhất trong 3 mảng kinh doanh. Tương tự, hiệu quả trong mảng đá cũng được đẩy lên với lãi gộp gần 56 tỷ đồng, chiếm 45% trong tổng lãi gộp. Thời điểm này, PTB đang khai thác các mỏ đá Vân Canh (Bình Định), mỏ đá Phú Yên và mỏ Đắk Nông.
Tỷ trọng doanh thu các mảng kinh doanh của PTB từ 2007-2016
Cơ cấu lãi gộp của PTB từ 2012-2016
Tính đến hết năm 2016, PTB ghi nhận tăng trưởng lãi ròng 8 năm liên tiếp, từ mức 16.67 tỷ đồng năm 2009 để đạt gần 265 tỷ đồng năm 2016.
Trong năm 2014, PTB đã thực hiện dự án Đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị sản xuất, chế biến đá ốp lát tại Quy Nhơn – Bình Định và đưa vào hoạt động với tổng giá trị đầu tư 76.3 tỷ đồng. Cuối quý 3/2015 đưa dự án Nhà máy chế biến đá ốp lát Đồng Nai vào sản xuất, tổng giá trị đầu tư giai đoạn I là 44 tỷ đồng.Dự án đầu tư mở rộng nhà máy chế biến gỗ tại Tuy Phước – Bình Định đã hoàn thành, đưa vào sản xuất trong cuối năm 2015. |
Năm 2016 cũng là năm mà PTB đạt kết quả kinh doanh cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 3,662 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, vượt 4% kế hoạch và lợi nhuận ròng đạt 264 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 52%. Trong đó, kinh doanh đá là mảng đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận gộp (hơn 60%).
Tính chung trong giai đoạn 2009-2016, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của PTB đạt hơn 15% và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là hơn 52%.
Kết quả kinh doanh của PTB từ 2009-2016 (Đvt: Tỷ đồng)
Đi kèm kết quả kinh doanh ấn tượng thì PTB cũng duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông cao, bình quân là 20.9% cho giai đoạn 2007-2016 và có xu hướng chuyển từ chi trả bằng tiền mặt sang cổ tức bằng cổ phiếu. Năm 2016 vừa qua, PTB được cổ đông thông qua việc trả cổ tức ở mức cao nhất là 30%, trong đó 10% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.
Nhưng kết quả kinh doanh lẫn cổ tức chưa phải là điểm ấn tượng nhất ở PTB mà điểm sáng nhất chính là diễn biến giá cổ phiếu trên sàn từ khi niêm yết. Tính từ khi niêm yết (22/07/2011), cổ phiếu PTB gần như tăng liên tục mà chưa một lần điều chỉnh mạnh, đến nay thì giá PTB đã tăng 2,400%, từ 5,200 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) lên mức 130,000 đồng/cp (12/04/2017). Song, khối lượng giao dịch bình quân của PTB là không cao, chỉ đạt trung bình hơn 20,000 cp/phiên, mức cao nhất từng đạt được từ khi niêm yết cũng chỉ 370,120 cp/phiên.
Biến động giá cổ phiếu PTB từ khi niêm yết
Kế hoạch gì cho tương lai?
Để chuẩn bị cho tương lai, PTB nâng công suất sản xuất đá ốp lát bằng việc đưa vào khai thác giai đoạn 2 – Nhà máy chế biến đá ốp lát tại tỉnh Đồng Nai và khánh thành Nhà máy chế biến đá ốp lát Bình Định trong cuối năm 2016 vừa qua.
Nhà máy chế biến đá ốp lát tại tỉnh Đồng Nai xây dựng trên diện tích 34,335 m2 tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 – Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 87 tỷ đồng và công suất sản phẩm quy chuẩn 400,000 m2/năm. Sản phẩm chủ yếu là đá ốp lát granite và đá marble từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Ý, Tây Ban Nha và Brazil.Nhà máy chế biến đá ốp lát Bình Định xây dựng trên diện tích 40,000 m2 tại cụm công nghiệp Cát Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng và công suất khai thác 1 triệu m2/năm. Sản phẩm chủ yếu là đá ốp lát granite khai thác tại mỏ đá tím Phù Cát và mỏ đá trắng Phù Mỹ – Bình Định. |
Hiện tại, PTB cũng đang triển khai một vài dự án mở rộng công suất khai thác đá và kỳ vọng hoàn thiện trong năm nay như dự án mở rộng Nhà máy chế biến đá ốp granite Khánh Hoà với tổng mức đầu tư là 23.25 tỷ đồng, mở rộng mỏ đá Phù Cát, xây dựng mỏ đá Đắk Sông, tỉnh Đắk Nông và dự án Nhà máy chế biến đá ốp lát Hưng Yên với công suất thiết kế là 450,000 m2 /năm.
Mảng kinh doanh xe ô tô Toyota và cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo trì của PTB đang hoạt động khá ổn định. Hiện Công ty có 2 showroom ở Đà Nẵng và 1 showroom ở Quy Nhơn. Theo bản cáo bạch phát hành năm 2016, Công ty dự định sẽ mở thêm 1 showroom tại Huế và 1 showroom ở Quảng Ngãi. PTB cũng đặt trọng tâm tiêu thụ hơn 2,000 xe mỗi năm và sửa chữa khoảng 30,000 lượt xe.
Về kế hoạch sản xuất ngành gỗ, cuối tháng 12/2016, PTB triển khai xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại Phù Cát với công suất dự kiến từ 25,000 – 45,000 m3/năm và tổng mức đầu tư dự kiến từ 12 -130 tỷ đồng. Dự án này sẽ được phân thành 2 giai đoạn và dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại trong năm 2017.
Vừa qua, trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2017, cổ đông PTB cũng đã thông qua kế hoạch phát hành tăng thêm 25% vốn điều lệ với mức giá chỉ 35,000 đồng/cp, tăng vốn để mua máy móc thiết bị tại nhà máy đá Khánh Hoà và nhà máy gỗ Phù Cát.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2017 tiếp tục là những con số tăng trưởng mạnh. Cụ thể, kế hoạch doanh thu 4,661 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 424 tỷ đồng; tăng lần lượt 37% và 26% so với mức thực hiện 2016. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 30%./.
Bài viết được đăng trên Stockbiz. Link gốc tại đây